Cherry switch, black cherry retool, vintage

cherry black retool

I/ Cherry New Black Retool

Loại switch cherry black retool này xuất hiện từ đầu năm 2017, trên một số loại bàn phím stock như Filco. Tiền tố “Retool” là do người dùng tự thêm vào, chứ bản thân hãng vẫn chỉ dùng tên là Cherry Black thôi nhé.
Người dùng ngay lập tức cảm nhận được switch mới này có cảm giác gõ đã hơn hẳn so với các loại trước đó, hẳn là Cherry đã thực sự nghiêm túc trong việc R&D, tránh việc các bạn phương Bắc càng ngày càng lấn tới hòng chiếm sân. Stem Black đã được cải tiến mới hoàn toàn (thế nên mới được gọi là Retool), thành phần nhựa sản xuất có lẽ cũng được thay đổi, thêm vào 1 chút dầu lube sẵn ngay từ lúc sản xuất, kết quả là 1 sản phẩm cực kì thú vị đã được ra đời.
Có thể nhận biết switch Retool khá đơn giản nhờ phần viền vát cạnh – so với dạng “bậc thang” của thiết kế cũ, ngoài ra ở trên đỉnh stems, chỗ phần chữ thập cũng có 1 vết lõm nhỏ hình giọt nước. Ngoài ra những switch retool mới nhất cũng có logo chữ Cherry rất mảnh.
Nói về mặt chất lượng, không ngoa khi nói rằng Black Retool thật sự là một đột phá của Cherry, có thể so sánh một chín một mười với vintage black. Có thể dễ dàng mua được ở các website bán đồ cho dân chơi bàn phím custom, hay trên taobao, đủ cả loại 3 chân hoặc 5 chân, lại được lube sẵn – đây thật sự là một sự thay thế hoàn hảo cho vintage black.

black cherry retool
Retool bên trái, loại thường bên phải

II/ Cherry New Black (new stock, new RGB….)


Tất cả những switch Cherry Black mới 100% (nghĩa là chưa được hàn vào phím lần nào), mà không phải retool thì được gọi là new black. Hiện tại New Black vẫn xuất hiện đâu đó trên thị trường, và chất lượng thì có thể nói rằng “hoàn toàn không chấp nhận được”, đặc biệt là để dùng với phím custom thì hoàn toàn không xứng đáng một chút nào.

III/ Cherry Vintage Black

black cherry


Nhân vật chính của câu chuyện mà tôi muốn nói đến: “Cherry Vintage Black”. Thể nào là “Vintage Black?” – một định nghĩa được sinh ra đâu đó từ lúc tôi chưa biết gì đến bàn phím cơ, nhưng có thể nói rằng “những switch black được Cherry sản xuất trước năm 1990 thì được gọi là Vintage Black”.
Vậy tại sao Vintage Black lại được săn đón? Cũng lại theo một số ý kiến cho rằng vì lý do các thành phần nhựa để sản xuất switch thời đó có chứa nhiều teflon hơn bây giờ, nên cho cảm giác bấm mượt mà, êm ái hơn chất liệu hiện tại (như đã nói ở trên thì chất liệu sản xuất của switch Black Retool có lẽ cũng đã được thay đổi đôi chút). Thêm nữa, do đã được “rèn rũa” trong 1 thời gian dài (trước 1990 đến 2018 đã là 28 năm rồi nha), nên rõ ràng cảm giác gõ sẽ mượt mà hơn là điều hoàn toàn có thể khẳng định được.
Thế thì kiếm switch Vintage Black ở đâu? OK, câu hỏi rất hay, và câu trả lời thì rất là đơn giản: “gỡ ra từ những bàn phím dùng switch Cherry Black sản xuất trước năm 1990”. Có quá nhiều nguồn hàng bán Vintage Black trên internet vào thời điểm này, từ “chợ trời” ebay, taobao, hoặc các diễn đàn, bảng tin của dân chơi bàn phím, từ các phím nguyên bản đến bán switch rời, thậm chí bạn stem rời. Cá nhân tôi thì không bao giờ đủ sự tin tưởng tự 1 bọc switch, hay stems giời ơi đất hỡi được người bán quảng cáo là vintage xịn đấy hay này kia. Tôi chỉ tin tưởng những switch được tự tay tôi tháo ra từ những bo mạch (PCB) hay bàn phím có dấu hiệu chắc chắn là được sản xuất từ trước năm 1990.
Thật sự là không có một dấu hiệu nhận biết cụ thể nào trên stem, hay trên vỏ switch chứng minh chắc chắn rằng switch đó được Cherry sản xuất trước năm 1990. Một PCB được ghi rõ ngày sản xuất, hoặc một vỏ bàn phím được sản xuất tại Tây Đức có lẽ là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc switch được hàn trên nó là Vintage Black thật sự. Cũng cần lưu ý thêm rằng nhiều khi một chiếc vỏ được sản xuất trước năm 1990 vẫn dùng với những PCB được sản xuất sau năm 1990, hoặc một PCB được thiết kế từ năm 1985 vẫn được dùng tới tận gần năm 2000.
Nên nhớ, Cherry chỉ là một hãng sản xuất bàn phím, nên ngoài bàn phím sản xuất bởi chính Cherry, thì còn rất nhiều hãng sử dụng switch Cherry cho bàn phím của riêng họ. Với switch Vintage Black, các bạn có thể tìm kiếm các model phím Cherry mã G80-0xxx thì gần như chắc chắn, hoặc các hãng chuyên sản xuất máy tính như Commodore, DEC, Ollivetti, NCR, Wyse cũng có nhiều model sử dụng Vintage Black, nhưng cần phải xác định rõ từng model cụ thể.
Tóm lại, Vintage Black có ngon, nhưng không có gì là tuyệt đối cả. Kiếm được một nắm switch Vintage Black thật sự đã có ý nghĩa, còn nó có giúp bạn “get high” trên bé cưng custom của mình hay không thì nó lại là một chuyện khác. Cứ đọc tiếp các phần dưới đi, rồi các bạn sẽ có câu trả lời 😉

cherry vintage switch

IV/ Cherry Old Black


Old, đơn giản không phải là New. Đơn giản là như thế thôi. Old black có thể định nghĩa là “các switch cherry được sản xuất sau năm 1990 và đã được hàn vào phím rồi”. Switch Cherry Old Black có lẽ là một khái niệm “rộng” nhất trong bài viết này của mình. Có thể là một bàn phím được sản xuất từ năm 1991 hay cũng có thể là sản xuất vào năm 2018. Được sử dụng trên 20 năm, hoặc chưa sử dụng 1 phút nào…. Cái này bắt đầu khó à nha. Nhưng mà, bạn cũng đừng quá hoang mang, một con switch được bấm đi bấm lại cả chục năm chắc chắn là cũng rất đáng để thử, và cũng mang lại cho bạn cảm giác bấm phê không thể tả.
Để tìm kiếm Cherry Old Black ngon, cứ mạnh dạn nhìn xung quanh bạn, hoặc lượn 1 vòng chợ trời ebay, taobao. Nhiều, rất rất nhiều, còn ngon hay không, đôi khi nó phụ thuộc vào “ăn ở”. Mình chỉ nói kinh nghiệm của riêng mình trong thời gian qua tích lũy được: các bàn phím Cherry G80-1xxx, G80-3xxx, hay KSI, GW, Wyse ASCII, PCE …. là những loại bàn phím có những con switch Old Black chất lượng khá tốt, không thua kém gì so với vintage black. Thật ra mình cũng chưa từng thử với các dòng bàn phím mới hơn như Filco, Leopold hay Corsair, Coolermaster nhưng đã qua sử dụng trong một thời gian dài nên mình cũng không dám có ý kiến nhiều.

V/ Các thể loại của nợ ….


1- Nixdorf


Nixdorf là một hãng máy tính được thành lập tại Tây Đức từ năm 1952, đến giờ vẫn còn hoạt động, chủ yếu là các máy tính tiền siêu thị. Có một thời gian dài các loại bàn phím sử dụng trong máy Nixdorf được đặt hàng sản xuất bởi Cherry, nhưng có một sự khác biệt là phần top switch sử dụng nhựa màu trắng đục, không phải màu đen nhưng Cherry truyền thống. Switch Cherry Black sử dụng trong các bàn phím của Nixdorf thường được gọi thân thương là Nixies, có cảm giác gõ giống với vintage black, nhưng do hiếm và nhìn bắt mắt (do phần top màu trắng đục), nên có giá thành khá cao.


2- Hirose
Hirose còn được gọi là Cherry Japan, là một công ty nhật bản sản xuất switch Cherry dưới sự đồng ý của Cherry. Các loại switch do Hirose sản xuất về cơ bản là giống Cherry Black, nhưng có nhiều màu sắc khác nhau, đặc trưng là màu nhựa hơi trong trong, màu phổ biến nhất là màu cam, ngoài ra còn có trắng, xanh, vàng, nâu.
Switch của Hirose hoàn toàn tương thích với Cherry MX, tuy nhiên chân stems có chút khác biệt nhỏ, rất thốn mỗi khi tháo/lắp keycap. Các loại switch này cũng đặc biệt hiếm, vì chỉ được dùng trong một vài loại phím được sản xuất tại Nhật như NCR20, Xerox 1109, Yamaha QX3.

VI/ Tổng kết


Mình đã chỉa sẻ các kiến thức mà mình được biết. Chắc chắn rằng những kiến thức này chưa thật sự đầy đủ và chính xác 100%. Nhưng cũng hy vọng nó giải đáp một phần nào các thắc mắc của mọi người.
Cũng theo ngu kiến của mình, thì có lẽ thời điểm này Black Cherry Retool thật sự xứng đáng với vai trò người thay thế cho các loại switch black khác. Vintage hay Old black sẽ rất ngon, nếu như các bạn vệ sinh sạch sẽ, lựa chọn cẩn thận, mod đàng hoàng. Nhưng với một con switch được tháo ra từ những bàn phím có tuổi đời hàng chục năm, chắc chắn sẽ có nhiều hỏng hóc, lỗi mà chúng ta không thể lường trước hết được Đa số phím vintage/old được mua từ các cửa hàng “đồng nát”, và họ đối xử với chiếc bàn phím này không khác gì rác đâu. Quăng quật, bụi bặm, rỉ sét, méo, bẹp đủ cả. Tỉ lệ dùng ngon nó chạy từ 0->99% luôn. Vậy nên, hãy cứ “chơi bàn phím” chứ đừng để “bàn phím nó chơi mình”.
Chia xẻ với anh em quy trình xử lý đám vintage/old black của mình:
– Rã ra từ mạch, tháo rời top, bottom và stem
– Ngâm riêng từng phần với nước ấm (40 độ) pha xà phòng rửa bát
– Rửa khoảng 15 phút bằng máy siêu âm (ultrasonic), bằng nước ấm pha xà phòng rửa bát
– Rửa lại với nước sạch, để khô và vệ sinh các ngóc ngách bằng bông ngoáy tai
– Rửa tiếp 15 phút bằng máy siêu âm bằng cồn công nghiệp
– Tráng lại bằng nước tinh khiết, rồi để khô
– Lube bằng hỗn hợp Dupont 103/205 theo tỉ lệ khoảng 2/1. – — Các loại Dupont khác nhau ở dầu hay mỡ, và khác nhau ở độ nhớt. Sử dụng loại nào hoàn toàn theo cảm nhận của riêng bạn, chứ không có một công thức hoàn hảo nào ở đây cả, nhưng “độ nhớt” quá thấp, hay quá cao cũng đều không cho cảm giác gõ tốt cho các loại switch linear.
– Đối chiếu với 1 switch có sẵn để loại ra các con switch không đạt yêu cầu (trơn/hoặc không trơn bằng, lạo xạo, ….)

Tác giả: Phạm Hoàng Anh _ VNMK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *