Phát minh này là một phương pháp tính toán mới, và với phương pháp này, chỉ cần một thiết bị đầu cuối nhỏ cũng có thể tạo ra tốc độ xử lý thông tin nhanh gấp nhiều lần tốc độ của các máy tính hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu phát triển máy tính lượng tử (Quantum Computer) từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu vấp phải một vấn đề là phải làm sao để khuyếch đại bit lượng tử (quantum bit) – đối tượng cơ bản của thông tin trong tính toán lượng tử, tương đương với não của con người nhằm nâng cao tính năng của máy tính.
Nhưng với phương pháp mới do nhóm nghiên cứu của Fujitsu và Đại học Osaka phát minh, không cần cấp độ khuyếch đại quá lớn như trước đây, cũng có thể tạo ra tốc độ tính toán cực nhanh, thậm chí vượt trội hẳn các siêu máy tính hiện nay. Cụ thể, nhóm chỉ sử dụng 60 ngàn bít lượng tử, chứ không cần tới 1 triệu bít lượng tử như từ trước đến nay, để đưa vào phân tích kết cấu, thành phần của một vật liệu siêu dẫn (superconductor). Và, chỉ cần 10 tiếng đồng hồ là đã có kết quả chính xác, trong khi các siêu máy tính hiện nay phải cần tới 5 năm để đưa ra cùng một thông tin. Ông Sato Shintaro – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lượng tử của Fujitu nói:
“Các máy tính mà chúng ta đang sử dụng hiện nay áp dụng hệ nhị phân với 2 con số là 0 và 1 để biểu hiện và xử lý thông tin. Còn với máy tính lượng tử, có thể chồng ghép 0 và 1 để tạo ra bit lượng tử. Dựa vào bit lượng tử sẽ tạo ra máy tính lượng tử. Càng tạo được nhiều bit lượng tử, tốc độ tính toán và xử lý thông tin sẽ càng nhanh”
Ông Sato cũng nhấn mạnh một cách lạc quan: “Từ góc độ những khái niệm chung như trên, có thể khẳng định với phát minh này, quá trình nghiên cứu, phát triển máy tính lượng tử để đưa vào cuộc sống sẽ tăng tốc độ gấp nhiều lần. Theo đó, trong một tương lai không xa, máy tính lượng tử sẽ được phổ biến, thay thế các máy tính hiện nay, bao gồm cả các siêu máy tính”